Tra Từ Điển Đạo Phật

Tìm kiếm theo chữ cái

Tỉnh giác

Tỉnh là bình tỉnh, giác là đang quan sát. Tỉnh giác chỉ cho biết trong hành động đang làm và đang quán xét để phân loại hành động thiện hay ác, tức là ý thức không bị tưởng xen vào, không bị vọng tưởng lôi kéo.

Có tỉnh giác thì không bị các pháp trói buộc; tỉnh giác là tỉnh táo trong các niệm, biết rõ ràng các niệm không bị ảnh hưởng những sự hiểu biết sai lầm ảo tưởng, hư tưởng của người khác, không bị những hiểu biết do ngũ dục lạc sai bảo, cám dỗ và lôi cuốn vào ác pháp.

Tỉnh giác là ý thức không bị mê mờ trước các pháp và bị lung lạc trước các cảm thọ do dục. Tỉnh giác là trí thức tỉnh táo sáng suốt trong mọi hành động và việc làm; là ý thức đang sống trong hiện tại với các đối tượng và việc làm.

Tỉnh giác là tỉnh táo, biết rõ ràng, không bị lờ mờ, thân phải tỉnh thức hoàn toàn, thân không uể oải, lười biếng, tâm không mê mờ và không ở trạng thái lúc tỉnh lúc mê, hay trạng thái hôn trầm, thùy miên, vô ký, ngoan không, v.

… biết rất rõ ràng từng chi tiết nhỏ, biết rất kĩ lưỡng, biết không có mờ mịt một chút xíu nào cả. Tỉnh giác là không có một chút xíu nào hôn trầm thùy miên trong thân tâm. Có tỉnh giác mới quan sát kỹ lưỡng, do quan sát kỹ lưỡng mới thấy được từ tâm niệm của mình vừa khởi lên là thấy liền và ngay đó biết cả niệm đó là ác pháp hay niệm thiện pháp, nó muốn gì, muốn làm gì.

Khi tâm ham muốn một điều gì thì biết ngay tâm ham muốn điều đó. Mỗi niệm khởi lên đều không lọt qua sự quan sát và như vậy mới có thể gọi là tỉnh giác, nhờ có tỉnh giác như vậy mới nhiếp phục được mọi tham ái, mọi ưu bi, mọi khổ đau trên đời này.

Tỉnh giác là tỉnh thức luôn luôn sáng suốt nhận xét tất cả mọi sự việc xảy ra xung quanh chúng ta một cách đúng với chánh pháp. Tỉnh giác là biết rất rõ ràng từng chi tiết nhỏ, biết rất kỹ lưỡng, biết không có mờ mịt một chút xíu nào cả.

Tỉnh giác trong hơi thở là biết rất kỹ từng hơi thở vô, từng hơi thở ra. Người giữ gìn giới hành hơi thở vô hơi thở ra có nghĩa là tu tập an trú trong hơi thở vô hơi thở ra phải biết rất rõ ràng, không được để quên, để mất, để mờ mịt hơi thở vô ra.

Ở đây, chúng ta nên hiểu đức Phật dạy La Hầu La phải biết rất kỹ từng hơi thở vô, từng hơi thở ra. Tỉnh Giác là phương pháp đầu tiên, một pháp môn rất căn bản cho những người mới vào đạo Phật. Như thế nào là chú tâm tỉnh giác: ban ngày khi đi kinh hành và ngồi, tâm gọt sạch các triền cái.

Ban đêm trong canh một, trong khi vị ấy đi kinh hành và ngồi, tâm gọt sạch các pháp triền cái. Ban đêm trong canh cuối, khi vị ấy đi kinh hành và trong khi ngồi, tâm gọt sạch các pháp triền cái. Nhờ có Tỉnh Giác mới gọt sạch từng tâm niệm ngũ triền cái và thất kiết sử.

Nhưng muốn được Tỉnh Giác thì chỉ có pháp Như lý Tác Ý và Đi Kinh Hành. Tỉnh giác chỉ là giai đoạn đầu mới tu tập tỉnh thức để phá tâm si mê, mờ mịt, vì vô minh, vì hôn trầm, thùy miên, vô ký, ngoan không.

Khi tâm ham muốn một điều gì thì biết ngay tâm ham muốn điều đó, đó là tâm tỉnh giác. Khi tâm tỉnh giác được như vậy thì ý thức bảo: “Tâm không được ham muốn, ham muốn đó là ác pháp, là pháp khổ đau”. Ý thức lệnh bảo như vậy thì tâm chấm dứt ham muốn.

Khi tâm đang sân giận, ý thức bảo: “Tâm phải chấm dứt ngay sân giận, sân giận là pháp ác, là pháp đau khổ” khi tác ý như vậy là tâm không còn sân giận. Khi thân già yếu, ý thức bảo: “Thân vô thường, nhưng không được yếu đuối run rẩy phải quắc thước”; khi tác ý như vậy thì thân lần lần không còn yếu đuối và run rẩy, luôn luôn quắc thước.

Khi thân bị bệnh, ý thức bảo: “Thân phải mạnh khỏe, tất cả bệnh tật đều phải lui ra khỏi thân”. Lệnh của ý thức như vậy thì bệnh lần lần lui ra sạch. Khi thân sắp chết, thở không được thì ý thức bảo: “Thân phải thở lại bình thường, không được chết”.

Ý thức ra lệnh như vậy thì thân mạnh khoẻ và thở lại bình thường. Khi thân đang mạnh khoẻ bình thường mà muốn chết, muốn bỏ thân này thì ý thức ra lệnh:“Hơi thở phải tịnh chỉ, từ bỏ thân tứ đại này”. Lệnh như vậy thì hơi thở lần lần ngưng hoạt động, tâm nhập vào chỗ bất động Tứ Thiền Thiên và xuất Tứ Thiền Thiên nhập vào trạng thái thanh thản, an lạc, vô sự của Niết Bàn.

Tỉnh giác là một pháp môn tu tập của Phật giáo nguyên thủy để giúp con người chủ động thực hiện đức hiếu sinh và các đức hạnh khác, là tâm bình tỉnh trước các ác pháp và các cảm thọ, luôn luôn sáng suốt quan sát từng đối tượng (sáu trần) tiếp xúc sáu căn (mắt thấy, tai nghe…) để giúp cho người tu hành không dính mắc, nên nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng một cách dễ dàng để tâm được an lạc, thanh thản và vô sự.

Tỉnh giác là tâm an vui, là tâm sáng suốt chủ động biết rõ từng hành động thân, miệng, ý của mình trước khi làm, nghĩ và nói những cái gì, tỉnh giác là thiện pháp không làm khổ mình khổ người. Tỉnh giác đã có nghĩa cẩn thận, cho nên dùng Tỉnh giác thì không dùng cẩn thận.

Tỉnh giác có sự thanh tịnh và bình tĩnh nên thường dùng Tỉnh giác Chánh niệm chứ không nói Tỉnh giác Tà niệm. Tỉnh giác là một giới đức trong pháp môn Quán vô lậu của Phật giáo nên nó có phương pháp tu tập, vì thế nó có sức gạn lọc tâm tư thanh tịnh không còn các ác pháp và trong khi tu tập nó còn có một sức bình tĩnh kỳ lạ khi đứng trước các ác pháp nó rất định tĩnh, nếu tu tập đúng đặc tướng.

Tỉnh giác là pháp xuất thế gian, còn cảnh giác là pháp thế gian. Tỉnh giác là pháp xuất thế gian. Tỉnh giác là thiện pháp, mà thiện pháp là chuyển ác pháp nên người tu tập tỉnh giác ít xảy ra tai nạn. Nếu có tỉnh giác thì không cần cảnh giác, vì trong Tỉnh Giác Chánh Niệm thì thường quan sát kỹ các đối tượng.

Quan sát kỹ các đối tượng không phải là cảnh giác mà là bản chất của Tỉnh giác. Ở đạo đức nhân bản - nhân quả thì dùng từ tỉnh giác, còn ở góc độ thông tin thế gian thì dùng từ cảnh giác. Nếu dùng tỉnh giác cho cuộc sống hằng ngày thì không cần dùng cảnh giác, dùng cảnh giác thì phải dùng thêm tỉnh giác mới đem lại sự bình an cho mình thật sự, còn chỉ dùng riêng có cảnh giác là đem đến cho mình một sự bất an lo lắng.

Gợi ý